Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Xây sân bay Long Thành là tất yếu”

Ngày 27/3, Bộ Giao thông vận tải đã họp với các đơn vị liên quan về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là tất yếu khách quan, là sự cần thiết cho đất nước phát triển…
Theo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), mục tiêu của việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp F4, theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có công suất 100 triệu hành khách/năm với 5 triệu tấn hàng hóa/năm (khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt).

Dự kiến khi hoàn thành Cảng HKQT Long Thành sẽ là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến án cũng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.

Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV, báo cáo trình Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa qua là báo cáo đầu tư giai đoạn 1. Trong giai đoạn 1, khu bay sẽ bao gồm 2 đường hạ cất cánh song song kích thước 4000mx60m, đáp ứng khai thác tàu bay A380 hoặc tương đương. Có hệ thống đường lăn kết nối đường hạ cất cánh và sân đỗ tàu bay. Các hạng mục cần đầu tư cho giai đoạn 1 cũng dự kiến sẽ được chia thành 5 nhóm. Nguồn vốn đầu tư dự kiến được phân theo 5 nhóm hạng mục cần đầu tư này.

Theo ông Hùng, đơn vị này dự kiến sẽ lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình năm 2012 - 2014; công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính từ 2014 - 2016; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế… năm 2016 - 2019; năm 2016 sẽ khởi công san lấp chuẩn bị mặt bằng; từ 2015 - 2025 công tác thực hiện đầu tư và Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025.


 
Phối cảnh một góc của Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Chinhphu
Cần cảng quốc tế lớn để cạnh tranh với khu vực

Tại cuộc họp, lý giải về nhu cầu đầu tư của dự án, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, Việt Nam cần có cảng hàng không lớn để cạnh tranh điểm đến với các trung tâm trong khu vực.

Hiện nay, các cảng hàng không trong khu vực đều quy hoạch 100 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, vấn đề tự do hóa trong ASEAN làm cho việc cạnh tranh điểm đến lại càng khốc liệt hơn. Trong khi hầu hết các hãng hàng không lớn bay đến Việt Nam đều bay qua điểm trung chuyển rồi mới đến Việt Nam…

Ông Thanh nhấn mạnh, cùng với việc so sánh các phương án khác thì việc lựa chọn xây dựng Cảng HKQT Long Thành vừa là chiến lược vừa là không có phương án nào khác.

Còn Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu thì cho rằng, nếu có mở rộng Tân Sơn Nhất để khai thác 25 triệu hành khách/năm nhưng cũng không thể khai thác vượt 35 - 40 triệu hành khách/năm do các nguyên nhân liên quan đến đường hạ cất cánh, trên bầu trời, sân bay chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ có 6 - 7km và các vấn đề về kết nối giao thông.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cơ sở pháp lý thực hiện Dự án Cảng HKQT Long Thành phải căn cứ vào cương lĩnh phát triển đất nước, chiến lược phát triển và quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sự cần thiết đầu tư dự án cần phải được làm rõ hơn, viết ngắn gọn hơn và đưa ra được lý do tại sao lại lựa chọn đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành; tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; tại sao không sử dụng các sân bay khác như Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Lạt?

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, về quy mô dự án cần làm ở mức tối thiểu, xác định rõ vấn đề về đất; số lượng hành khách; tại sao đây lại là sân bay trung chuyển, nhu cầu của của đất nước là gì?

Bộ trưởng đề nghị ACV rà soát và xác định nguồn vốn đầu tư, khai thác cảng. Trong đó, xác định nguồn vốn Nhà nước cho giải phóng mặt bằng; xác định hạng mục đầu tư sử dụng vốn ODA; vốn từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ACV cũng cần xác định các vấn đề về giao thông kết nối.

“Xây dựng sân bay Long Thành là tất yếu khách quan, là sự cần thiết cho đất nước phát triển, phù hợp với chiến lược, phù hợp với quy hoạch và phù hợp với cương lĩnh phát triển đất nước. Đây là động lực cho đất nước chúng ta cất cánh”, Bộ trưởng Bộ Giao thông khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị của cử tri quận Tân Bình về việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, cùng đề nghị "vui lòng phúc đáp UBND thành phố trước ngày 25/4".  Đây là những kiến nghị của cử tri mà HĐND thành phố yêu cầu UBND giải quyết trước và sau kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12, khóa VIII.  Theo UBND thành phố, cử tri quận Tân Bình không đồng tình với việc xây sân bay Long Thành (Đồng Nai) vì hiện nay đất nước còn nghèo, không nên vay vốn ODA để xây dựng trong khi sân bay Tân Sơn Nhất chưa sử dụng hết tiềm năng.  Cử tri quận này tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải tỏa sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thu hồi ngay đất sân golf để mở rộng sân bay. Việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng tại đây sẽ ảnh hưởng đường bay, gây nguy hiểm, chưa kể nguy cơ gián điệp nước ngoài trà trộn vào khu vực này làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo Tùng Nguyễn - vietbao.vn